Từ vựng là một trong những thành tố cơ bản nhất trong việc học một ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc học từ vựng không phải là một quá trình đơn giản. Trên thực tế, có rất nhiều người học dù đã dành rất nhiều thời gian để học hàng ngàn từ, song họ vẫn chưa đủ tự tin trong giao tiếp. Bài viết này khám phá các vấn đề của việc học từ vựng, từ đó lí giải nguyên nhân vì sao việc học từ vựng của nhiều người chưa hiệu quả và đưa ra giải pháp khắc phục.
1. Vấn đề: người học học rất nhiều từ vựng nhưng sau đó quên hết và không thể ứng dụng trong giao tiếp
2. Hai loại từ vựng tiếng anh: passive vocabulary, active vocabulary
3. Những lỗi sai khi học từ vựng: Lạm dụng từ điển anh việt hay google dịch, chưa học cách sử dụng của từ
4. 3 bước từ vựng theo ngữ cảnh:
- Bước 1: Chọn ngữ cảnh
- Bước 2: Nghe/ đọc/xem lần 1 và cố gắng hiểu nội dung của bài
- Bước 3: Tra cứu từ vựng, ghi chú cụ thể và thực hành đặt câu
5. Hai trang từ từ điển tin cậy: Oxford Learners’ Dictionary, Cambridge Dictionary
Những điều người học cần biết về từ vựng
Từ vựng có thể là một hay nhiều từ có nghĩa riêng biệt, ví dụ book, post office, bus station ,v.v. Mặc dù những từ như post office hay bus station có 2 từ nhưng nó chỉ diễn đạt một ý nghĩa cụ thể nên người học nên xem chúng như một từ vựng để việc sử dụng trong giao tiếp dễ dàng hơn.
Có hai loại từ vựng:
- Passive vocabulary : là những từ người học hiểu được khi đọc hoặc nghe nhưng chưa sử dụng được trong giao tiếp.
- Active vocabulary: là những từ mà người học không chỉ có thể hiểu được khi nghe, đọc mà còn sử dụng được chúng trong giao tiếp.
Nhiều người học dù đã học tiếng Anh rất lâu, nhưng do chưa học từ vựng đúng cách, từ vựng của họ đa phần dừng ở dạng passive vocabulary và chưa ứng dụng được trong giao tiếp. Vì vậy, trong phần tiếp theo, tác giả sẽ chỉ ra những lỗi sai của người học trong quá trình học từ vựng, khiến họ chậm tiến bộ dù đã rất nghiêm túc với việc học.
Những lỗi sai khi học từ vựng
Lạm dụng từ điển anh việt hay google dịch
Phản xạ đầu tiên của nhiều người học tiếng Anh, đặc biệt là những người mới bắt đầu khi gặp một từ vựng mới đó chính là tra trên google dịch hay từ điển Anh Việt, thậm chí nhiều người còn sao chép cả câu sau đó dán vào google dịch để hiểu nghĩa. Sau đó, họ ghi chú nghĩa của từ đó bằng tiếng việt vào vở và cố gắng học thuộc nghĩa của từ vựng đó. Xét ví dụ sau:
We should make more effort to prevent children from being addicted to online games.
Ví dụ trong câu trên, người học không biết nghĩa của từ effort, prevent và addicted, họ tra cứu trên google và ghi lại nghĩa như sau:
- Effort: cố gắng
- Prevent: ngăn ngừa
- Addicted: nghiên
- Nếu học theo cách này, người học chỉ học nghĩa của từ, nếu người học nhớ được thì chỉ dừng ở mức nhận dạng được nhưng sẽ chưa dùng được trong giao tiếp vì chưa biết cách sử dụng từ vựng ra sao hoặc họ tiến hành dịch word for word khi giao tiếp:
We should effort more to prevent people pollute environment.
Khi đó, do chưa nắm rõ về ngữ pháp cũng như cách sử dụng của từ vựng nên người học có xu hướng nói hoặc viết sai nhiều về ngữ pháp. Hơn nữa, cách dịch này cũng khiến họ phản xạ rất chậm và thiếu tự tin trong giao tiếp.
Tác giả không hoàn toàn phủ nhận lợi ích của việc sử dụng google dịch, tuy nhiên khi học từ vựng, người học vẫn nên sử dụng từ điển vì nhiều lí do sau đây:
Thứ nhất, từ điển giúp người học nhận biết loại từ của từ vựng đang tra là danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ. Việc biết được loại từ của từng vựng là rất cần thiết vì nó giúp người học biết cách sử dụng từ vựng đó trong câu sao cho hợp lí.
Quay lại ví dụ của từ effort, từ này có nghĩa là nỗ lực, tuy nhiên với nghĩa này nó có thể là cả danh từ và động từ nên người học có xu hướng sử dụng nó như động từ khi giao tiếp, dẫn đến lỗi sai về ngữ pháp trong câu “We should effort more to prevent people pollute environment”.
Thứ hai, người học có thể nhìn thấy được phiên âm để biết cách đọc của từ. Đối với nhiều từ điển, người học có thể click vào biểu tượng âm thanh để nghe cách đọc và bắt chước đọc theo, giúp họ hạn chế phát âm sai.
Thứ ba, google dịch dù đã tiến bộ rất nhiều trong việc dịch thuật, nhưng đôi khi nhiều từ vẫn chưa được dịch chính xác vì phần dịch có thể được góp ý từ người dùng khắp nơi trên thế giới nên việc tra từ điển vẫn đảm bảo độ chính xác và tin cậy hơn.
Cuối cùng, khi tra từ điển, người học còn có thể xem những câu ví dụ được đặt với từ vựng đang tra để họ có thể hiểu rõ của hơn cách sử dụng của từ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Ngoài ra, từ điển còn cung cấp cho người học collocations (những cụm từ thường đi chung với nhau), thành ngữ liên quan đến từ vựng đó để người học tham khảo và sử dụng.
Tiếp theo, tác giả sẽ so sánh từ điển Anh-Anh với Anh- Việt, từ đó đưa ra một số từ điển phù hợp cho người học .
Tại sao người học nên sử dụng từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt
Có nhiều nguyên nhân khiến từ điển Anh-Anh được khuyên dùng hơn so với Anh-Việt:
Thứ nhất, phần nghĩa tiếng Việt từ điển Anh-Việt không giúp người học hiểu hết được nghĩa của từ để có thể ứng dụng trong ngữ cảnh phù hợp. Ví dụ, nếu người học tra từ complete và accomplish trong từ điển Anh-Việt thì cả hai từ đều có nghĩa là hoàn thành, tuy nhiên nếu so sanh hai từ trong từ điển Anh-Anh, người học sẽ hiểu được sự khác biệt về nghĩa của hai từ:
Như vậy, complete chỉ dừng ở việc làm xong/ hoàn thành một việc gì đó, còn accomplish còn nói sự thành công khi hoàn thành một việc (to complete something successfully). Sẽ rất khó để tìm được một nghĩa tương đương giữa hai ngôn ngữ nên việc sử dụng từ điển Anh-Anh sẽ giúp người học hiểu rõ về từ vựng và biết cách sử dụng chúng vào ngữ cảnh phù hợp. Tuy nhiên, đối với người mới bắt đầu làm quen với tiếng Anh, họ chưa đủ vốn từ và khả năng đọc hiểu phần định nghĩa bằng tiếng Anh nên theo tác giả, người học có thể bắt đầu với việc sử dụng từ điển Anh-Việt trước, sau khi đã có một vốn từ nhất định, họ chuyển sang dùng từ điển Anh-Anh cho việc học hoặc có thể kết hợp cả hai.
Thứ hai, việc dùng từ điển Anh-Anh giúp người nâng khả năng đọc hiểu và suy nghĩ bằng tiếng Anh. Thay vì biết ngay nghĩa của từ thì khí sư dụng từ điển Anh-Anh, người học sẽ tự cố gắng đọc phần định nghĩa bằng tiếng Anh để tự hiểu nghĩa, điều này không chỉ giúp họ nâng cao vốn từ một cách nhanh chóng mà còn giúp làm quen với việc đọc hiểu tiếng Anh.
Ngoài ra, một trong những thủ phạm chính khiến người học có phản xạ kém trong giao tiếp đó chính là quá phụ thuộc vào việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ví dụ, khi người học gặp câu hỏi: “what do you do for a living?” Họ phải dịch trong đầu: what do you do là bạn làm gì? For a living là cho một sự sống? Việc dịch thế này khiến họ không hiểu được nghĩa của câu hỏi và gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Trong trường hợp họ hiểu được ý nghĩa của câu hỏi là bạn làm nghề gì? thì họ vẫn phải suy nghĩ câu trả lời trong tiếng Việt (ví dụ, tôi là kĩ sư), sau đó lại dịch câu này sang tiếng Anh: “I am an engineer”. Quá trình này tốn nhiều thời gian, khiến người học mất tự tin và cảm thấy mệt mỏi khi giao tiếp. Vì vậy, để việc giao tiếp trở nên hiệu quả hơn cũng như tăng tốc độ phản xạ, người học cần hạn chế quá phụ thuộc vào dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thay vào đó họ nên học cách suy nghĩ bằng Tiếng Anh: what do you do for a living? Is used to ask about a person’s job, đặt bản thân vào ngữ cảnh cụ thể, học cả câu hỏi và cách trả lời chung sau đó lần lượt ứng dụng vào nhiều trường hợp khác nhau thay vì dịch từng từ một. Người học có thể bắt đầu học cách suy nghĩ bằng tiếng Anh bằng cách sử dụng từ điển Anh-Anh, xem phần định nghĩa bằng tiếng Anh của từ cố gắng đọc hiểu nghĩa, nếu vẫn chưa hiểu rõ họ có thể sử dụng google image để tra ảnh, giúp họ hình dung và hiểu rõ hơn, sau đó họ có thể tự diễn đạt lại theo cách của họ, ghi chú lại và thực hành đặt câu.
Chưa học được cách sử dụng của từ
Đây là vấn đề thường gặp của nhiều thí sinh, khi họ cho biết đã học danh sách từ vựng lên đến vài ngàn từ nhưng khi nói hoặc viết thì họ lại quên hết và không thể sử dụng chúng trong giao tiếp, hoặc nếu sử dụng được thì vẫn bị sai về ngữ pháp, gây ra sự khó hiểu cho người nghe.
Nguyên nhân chính của vấn đề trên đó là do người học học quá nhiều từ vựng trong một ngày, họ cố gắng đọc đi đọc lại để nhớ nghĩa của từ vựng đó, nên ngay lúc học các từ vựng đó có thể đi vào bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory) của họ, nhưng do chưa thực hành sử dụng từ vựng đó trong câu/ ngữ cảnh cụ thể nên sẽ quên mất chỉ trong vài ngày nếu không được ôn lại. Nếu nhớ được thì họ chỉ có thể nhận dạng được từ vựng khi đọc hay nghe chứ họ không thể sử dụng chúng để nói hoặc viết. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều thí sinh cho biết họ biết từ này nhưng khi kêu họ giải thích, đặt câu hay dịch nghĩa thì họ chưa thực hiện được. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là họ chưa học đủ sâu, học số lượng thay vì chất lượng.
Ngoài ra, khi học một từ vựng, để có thể thành công trong việc có phản xạ nhanh và sử dụng đúng từ vựng trong một câu hoàn chỉnh thì người học cần học cả cách sử dụng của từ vựng đó. Ví dụ như người học học được từ danh sách từ của mình: prevent có nghĩa là ngăn chặn. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức nhớ nghĩa của từ, việc sử dụng nó đúng trong câu là điều rất khó. Vì vậy, người học nên xem ví dụ trển từ điển, xem cách sử dụng của từ prevent trong nhiều câu ví dụ khác nhau để họ có thể hình dung cách sử dụng cho chính xác:
Theo như nghiên cứu, để có thể sử dụng được một từ vựng chính xác trong câu, người học cần nghe/ thấy từ vựng đó trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nhờ vào việc tra từ điển, người học có thể học được cách dùng thường gặp của prevent như sau: prevent somebody/ something from doing something, ghi chú lại sau đó mới dựa vào cấu trúc đó để tự đặt câu. Cách học này sẽ tốn thời gian hơn, nhưng sẽ giúp người học sử dụng đúng trong câu và có phản xạ nhanh hơn khi giao tiếp.
Hướng dẫn các cách học từ vựng hiệu quả
Việc học một từ vựng riêng lẽ thường rất mau quên vì người học chưa hiểu hay hình dung được ngữ cảnh sử dụng của từ vựng đó. Trên thực tế, có nhiều phương pháp học từ vựng khác nhau như học từ vựng qua danh sách các từ thông dụng của các nhà xuất bản nổi tiếng, học từ vựng qua việc đọc sách, xem phim, v.v. Trong phần này, tác giả sẽ hướng dẫn cách học từ vựng theo ngữ cảnh.
Bước 1: Chọn ngữ cảnh
Người học nên chọn văn bản có thể là video (có lời thoại), hoặc là bài báo, bài viết hoặc thậm chí và phim về chủ đề mà họ yêu thích từ những nguồn uy tín dưới đây:
- Spotlight English: https://spotlightenglish.com/playlists/
- Breaking News English: https://breakingnewsenglish.com/
- BBC Learning English: https://www.bbc.co.uk/learningenglish/
- The guardian: https://www.theguardian.com/international
- Ted: https://www.ted.com/talks
Việc chọn này rất quan trọng, người học cần chú ý chọn tài liệu phù hợp với trình độ hiện tại của bản thân, không nên quá dễ hoặc quá khó. Người học cần đọc sơ qua và đảm bảo rằng họ biết ít nhất 50% từ vựng trong bài thì mới không dễ bị chán nản trong quá trình học.
Bước 2: Nghe/ đọc/xem lần 1 và cố gắng hiểu nội dung của bài
Trong quá trình này, người học sẽ không tránh khỏi gặp phải từ vựng họ không biết, vì vậy họ nên cố gắng đoán nghĩa của từ vựng đó dựa trên ngữ cảnh cụ thể.
Khi đó, họ có thể gạch chân những từ vựng chưa biết để có thể tiện tra cứu sau đó. Sau khi nghe/ đọc xong cả bài, họ có thể tự trả lời câu hỏi: Bài viết/ video nói về nội dung gì và gồm những ý chính nào?
Việc tóm tắt được lại bài viết/ video chứng tỏ người học đã có thể hiểu được ngữ cảnh đưa ra và sau đó mới bắt đầu tra cứu và học từ vựng.
Bước 3: Tra cứu từ vựng, ghi chú cụ thể và thực hành đặt câu
Như tác giả đã đề cập, người học chỉ biết một từ vựng khi họ có khả năng sử dụng từ vựng đó chính xác trong một câu hoàn chỉnh và theo như nghiên cứu, để một từ trở thành từ vựng của người học, họ phải nghe/ đọc từ đó trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Vì vậy, việc học từ vựng không hề đơn giản mà nó đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên và phải học đúng cách.
Trước hết, người học cần nắm được cách tra từ vựng với:
Imagine you are in a meeting at an office building. Your boss is speaking about next week’s project. Then, everyone takes a break for lunch. But you do not go to a restaurant or store. Instead, you exit the room. Inside the walls of the building are thousands of plants. Some produce fruit, some produce salad greens. You grab a small plate, go to the wall, and pick the ingredients for your lunch. Then, you sit down under a tree and begin to eat. You are 30 stories above the ground.
(Spotlight English. Vertical Farming and the Future of Cities)
Ví dụ trong đoạn văn trên, người học học không biết nghĩa của từ ingredients thì trước hết họ có thể thử đoán từ trong ngữ cảnh. Sau đó, họ tiến hành tra cứu lại từ này trong từ điển để ghi chú lại cho việc học tập. Khi ghi chú lại thì người học nên chú ý những yếu tố sau:
- Nghĩa? (một từ có thể có nhiều nghĩa nên người học cần căn cứ vào ngữ cảnh trên để xác định nghĩa cho phù hợp)
- Loại từ? (đây là danh từ, tính từ, động từ hay trạng từ. Người học cần biết loại từ của từ vựng thì mới đặt câu và dung nó chính xác)
- Phát âm và cách viết? (mục đích cuối cùng của việc học từ vựng là sử dụng từ đó vào giao tiếp nên nếu phát âm sai hoặc không biết viết thì việc học cũng kém hiệu quả, trong từ điển có phần âm thanh người học có thể nhấn vào biểu tượng này để nghe và đọc theo, tránh trường hợp tự đọc sai)
- Cách dùng:
- Giới từ là gì? có nhiều từ để sử dụng đúng người học cần học luôn cả giới từ: to be excited about, be interested in, nếu không học luôn giới từ họ rất có khả năng sử dụng sai ngữ pháp.
- Collocations? (collocations là những cụm từ được đi chung với nhau, được mọi người sử dụng, ví dụ với từ picnic thì ta có thể có cụm go on a picnic, family/ school picnic)
- Sau khi ghi chú xong, người học nên tự đặt 1 ví dụ ở phía dưới để thực hành cách dùng của từ. Dưới đây là phần ví dụ cho phần ghi chú của tác giả cho từ vựng ingredient:
Ingredient /ɪnˈɡriːdiənt/ (n): a thing from which something is made (nguyên liệu)
Ingredient for something
Ví dụ:
I only use natural ingredients for cooking.
Ta thấy, từ vựng này không có cụm collocation nào đặc biệt nên không cần phải học. Đôi khi một từ vựng có thể có rất nhiều cụm collocation trong từ điển, người học nên chọn lọc cụm thông dụng nhất với họ để ghi chú lại và tập sử dụng.
Sau đây là những trang từ điển mà người học có thể tham khảo cho quá trình tra cứu từ vựng:
Oxford Learner’s Dictionary: https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/
Người học tiến hành tra từ cần tra vào khung tìm kiếm, sau đó họ có thể nhấn chuột vào khung Oxford Collocation Dictionary để xem collocation:
Khi người học tìm kiếm từ khóa “Cambridge Dictionary” trên google, họ sẽ nhận thấy kết quả tìm kiếm như trên. Nếu người học mới bắt đầu học tiếng Anh và chưa đủ năng lực để xem hiểu từ điển Anh-Anh, họ có thể nhấn vào phần English-Vietnamese để có thêm phần dịch nghĩa:
Ngoài ra, để có thể nghe và nhìn thấy từ vựng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau được nói bởi người bản xứ trong đời thường, người học nên sử dụng trang Youglish https://youglish.com/:
Chỉ cần nhấn tìm từ vựng cần tra cứu, người học sẽ được điều hướng đến vô số video của người bản xứ có nhắc đến từ vựng này, giúp họ nghe và học được cách phát âm của người bản xứ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, giúp từ vựng khắc sâu vào bộ não hơn.
Tổng kết
Bài viết chỉ ra bản chất của vấn đề trong quá trình học tù vựng của người học tiếng Anh, khiến họ có cảm giác quen với từ vựng đó nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình diễn đạt và ứng dụng. Từ đó, tác giả minh họa chi tiết cách tra từ vựng đúng cách và đề xuất những trang từ điển tin cậy cho người học sử dụng.
Người học không nên học quá nhiều từ vựng trong một ngày, chẳng hạn như học một danh sách hàng trăm từ một ngày là rất kém hiệu quả. Việc học danh sách từ vựng chỉ có thể áp dụng cho thời gian đầu khi họ mới làm quen tiếng Anh và cần học một lượng từ cơ bản để có thể có khả năng đặt câu. Vi vậy, việc học từ vựng sau này không chỉ nên dừng lại ở việc nhớ nghĩa của từ mà quan trọng nhất là phải sử dụng chính xác được từ vựng đó trong câu khi giao tiếp.