Bắt đầu được các đại học đưa vào làm một trong những tiêu chí xét tuyển từ năm 2017, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng phổ biến và quan trọng với học sinh.
Ở kỳ xét tuyển đại học năm 2021, Nguyễn Thanh Phương, cựu học sinh THPT Xa La (Hà Nội) sớm biết kết quả trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao theo phương thức xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh kết hợp điểm học bạ. Với IELTS 7.5 và kết quả học tập THPT nổi bật, em vào được ngôi trường mơ ước mà không phải quá lo lắng với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi chỉ cần tốt nghiệp, em sẽ đủ điều kiện nhập học.
Giống Phương, rất nhiều học sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn, cũng học và thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, phổ biến hơn cả là IELTS. Việc này đem lại nhiều lợi ích như giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ – yếu tố quan trọng trong học tập, nghiên cứu và nghề nghiệp sau này; được miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh (nếu đạt IELTS 4.0); miễn các học phần tiếng Anh ở trường đại học (tùy quy định từng trường).
Đặc biệt trong bốn năm trở lại đây, IELTS giúp học sinh nâng cao khả năng trúng tuyển đại học. Năm 2021, có hơn 30 trường từ Bắc chí Nam, từ công lập tới tư thục sử dụng chứng chỉ này trong xét tuyển đại học chính quy. Năm nay, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng phần lớn các trường không thay đổi nhiều về phương án tuyển sinh, nên dự kiến có một số lượng tương tự áp dụng chính sách ưu tiên đối với IELTS.
Điều này góp phần khiến chứng chỉ tiếng Anh – được triển khai từ năm 1980 và thu hút hàng triệu thí sinh toàn cầu tham dự mỗi năm – trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Không chỉ ở các thành phố lớn, học sinh ở nhiều tỉnh, thành cũng bắt đầu tìm hiểu khi nhận ra tầm quan trọng của chứng chỉ này.
Cụm từ “chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế” hay cụ thể hơn là IELTS, TOEFL xuất hiện trong đề án tuyển sinh của Đại học Kinh tế quốc dân từ 2017. Theo đó, thí sinh có IELTS 6.5 hoặc TOEFL ITP 575, TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm hai môn tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 – gồm Toán và một môn khác Tiếng Anh – từ 15 trở lên thuộc diện được xét tuyển kết hợp. Không nêu cụ thể chỉ tiêu cho đối tượng này, nhưng tổng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp (gồm hai nhóm đối tượng khác) năm đó chỉ 5-10%. Không nhiều người lúc đó để ý tới phương thức này.
Đến năm 2018, thêm một số trường như Đại học Ngoại thương hay Sư phạm kỹ thuật TP HCM đưa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào xét tuyển. Từ chỗ chỉ các trường kinh tế top đầu tiên phong sử dụng IELTS, nhiều trường thuộc khối kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội và TP HCM hay các trường đào tạo y dược như Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP HCM hay Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp với thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Năm 2021, các trường thuộc khối công an gồm Học viện Quốc tế, Chính trị Công an Nhân dân, An ninh Nhân dân, Cảnh sát Nhân dân cùng Đại học An ninh Nhân dân và Cảnh sát Nhân dân cũng ghi tên vào nhóm này.
Khi xét tuyển có sử dụng điểm IELTS, các trường thường theo ba hướng: xét tuyển kết hợp với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT gồm Toán và một môn khác Ngoại ngữ (như Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân), xét tuyển kết hợp với học bạ THPT (Học viện Ngoại giao, Báo chí và Tuyên truyền) hoặc ưu tiên trong xét tuyển (Đại học Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Y Dược TP HCM).
Phương thức của Học viện Ngoại giao năm ngoái là một ví dụ về xét tuyển kết hợp với học bạ THPT. Trường này xét tuyển thẳng thí sinh có điểm trung bình cộng kết quả học tập của ba học kỳ bất kỳ lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên kết hợp chứng chỉ IELTS 7.0 trở lên. Với ưu tiên xét tuyển, Đại học Y Hà Nội quy định thí sinh muốn vào ngành Y – ngành có điểm cao nhất, mà có chứng chỉ IELTS 6.5 sẽ được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn không quá 3 so với bình thường.
Với xét tuyển kết hợp, điểm IELTS được quy sang thang điểm 10, mức quy đổi cũng rất đa dạng và tùy thuộc từng trường. Nhiều trường IELTS ở mức 5.0-5.5 đã được quy đổi thành 8-9 điểm. IELTS 6.0 tương đương 9-10. Một số trường yêu cầu mức IELTS cao hơn. Năm vừa rồi, Đại học Kinh tế Quốc dân thậm chí quy mức 8.0 IELTS sang thành 15 điểm, tạo ra động lực rất lớn để thí sinh sử dụng chứng chỉ này. Điểm quy định này sẽ được cộng kết hợp với các yếu tố khác, tùy từng trường.
Đến nay, chưa có bất cứ trường đại học nào tuyển thẳng thí sinh chỉ dựa vào chứng chỉ tiếng Anh. Các hình thức xét tuyển kết hợp EILTS chỉ chiếm khoảng 5-20% tổng chỉ tiêu xét tuyển của mỗi trường, việc hàng loạt trường ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực sử dụng IELTS cùng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển khiến chứng chỉ này dần trở nên quen thuộc, quan trọng và được thí sinh tận dụng trong cuộc chạy đua giành lợi thế vào đại học.
Năm 2022, các đại học vẫn tiếp tục đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn được ưa chuộng, bên cạnh những chứng chỉ năng lực quốc tế khác như SAT, ACT hay A-Level.
(Theo báo VNExpress)